Mục Tiêu:
- Nêu được các chỉ định chụp xương đùi.
- Trình bày được kỹ thuật chụp xương đùi thẳng, nghiêng.
I. Giải phẫu xương đùi
Là xương dài nhất của bộ xương, gồm có một thân và hai đầu. Thân xương gồm 3 mặt(sau ngoài, sau trong và sau dưới) và 3 bờ (ngoài, trong và sau).
Đầu trên xương đùi gồm cổ xương và chỏm xương. Chỏm xương tiếp khớp với ổ cối xương chậu tạo thành khớp háng. Hai mấu chuyển lớn và bé, giữa hia mấu chuyển là đường liên mấu.
Đầu dưới xương đùi hơi cong và ra sau. Lồi cầu trong và ngoài tiếp khớp với mâm chày tương ứng. Diện khớp ròng rọc ở trước tiếp khớp với xương bánh chè.
II. Chỉ định chụp
A. Chấn thương
1. Gẫy thân xương đùi.
Xương đùi nằm trong khối cơ lớn được nhiều mạch máu nuôi dưỡng nên liền nhanh nhưng trái lại gãy xương đùi thường chảy nhiều máu có thể gây sốc mất máu.
Các cơ mông khỏe bám vào mấu chuyển lớn làm đầu trên dạng, cơ thắt lưng chậu bám vào mấu chuyển bé làm đầu trên gấp ra trước. Điều này giải thích gãy xương đùi rất hay di lệch. Khi chụp x quang phải hết sức nhẹ nhàng, tránh thô bạo. Tư thế chụp xương đùi thẳng là cần thiết, không đặt vấn đề chụp nghiêng nếu như tình trạng lâm sàng không cho phép.
2. Gẫy trên lồi cầu xương đùi.
Gẫy trên lồi cầu xương đùi thường do tai nạn ô tô, do ngã cao, đây là tổn thương ít gặp. Khi tham khám cần phát hiện tổn thương thần kinh hông khoeo và tổn thương mạch máu.
Thăm khám X quang cũng chụp hai tư thế thẳng và nghiêng để xác định ổ gẫy và mức độ di lệch.
B. Chụp xương đùi phục vụ cho điều trị
Gãy xương đùi có chỉ định điều trị đóng đinh nội tủy: Vai trò của X quang lúc này là xác định vùng tủy rộng hay hẹp để chọn đinh nội tủy phù hợp.
Đánh giá tình trạng liền xương sau điều trị:
- Phương pháp điều trị đóng đinh nội tủy ngược dòng cho kết quả tốt. Sau một thời gian 2- 3 tuần , chụp x quang xương đùi đánh giá tình trạng liền xương để có hướng điều trị thích hợp.
- Nếu như gãy xương đùi không có chỉ định phẫu thuật, chỉ bó bột sau khi đã đủ thời gian( khoảng 6 tuần). Trước khi tháo bột cần tiến hành chụp lại xương đùi, nhận định sơ bộ về sự liền xương, can xương ổ gãy.
C. Các tổn thương khác
Chẩn đoán viêm xương, u xương, loãng xương...
Mặc dù đã được thay thế bằng chụp CLVT nhưng x quang thường quy vẫn còn nguyên giá trị vì rẻ tiền, dễ thực hiện, vừa giúp chẩn đoán và theo dõi trong quá trình điều trị.. Trong trường hợp này thăm khám x quang bắt buộc phải chụp hai tư thế : thẳng và nghiêng .
III. Kỹ thuật chụp xương đùi
A. Kỹ thuật chụp xương đùi thẳng
- Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn. chân bên cần chụp duỗi thẳng, bàn chân xoay nhẹ vào trong(nếu gãy không hoàn toàn)
- Phim 30x40 cm, đặt dọc dưới đùi, chỉnh điểm giữa đùi vào giữa phim, khu trú chùm tia hoặc lá chắn chì theo chiều dọc.
- Tia trung tâm: Chiếu vuông góc từ trên xuống qua điểm giữa xương đùi vào trung tâm phim.
- Thông số chụp: 60-65kV, 40mAs, khoảng cách 100 cm.
Lưu ý: Nếu bệnh nhân to béo hoặc bó bột thì phải dùng lưới chống mờ và tăng hằng số chụp(kV, mAs)
- Trong trường hợp gãy xương đùi được điều trị bằng đóng đinh nội tủy, cần đánh giá kích thước thật của ống tủy, thì phải đặt sát phim vào đùi, bóng x quang để cách xa từ 1,5-2 mét.
- Phải lấy được một đoạn gãy hoặc một khớp gần nhất nếu chụp khu trú.
B. Kỹ thuật chụp xương đùi nghiêng:
1. Kỹ thuật chụp nghiêng ngoài
- Bệnh nhân nằm nghiêng hoàn toàn trên bàn x quang, về phía bên cần chụp. Chân bên chụp không chụp co lên đưa ra trước hoặc đưa ra sau tối đa. Cổ chân kê gối đệm mục đích để xương đùi sát phim. Chân bên chụp gập lại dạng ra mặt ngoài đùi sát phim.
- Cũng có thể bệnh nhân nằm nghiêng không hoàn toàn, xương đùi cần chụp gập nhẹ và xoay ra ngoài sao cho mặt ngoài áp vào phim. Chân bên đối diện gập gối đặt bàn chân thẳng góc xuống bàn làm điểm tì cố định cho tư thế.
- Phim 30x40 cm, đặt dọc dưới đùi, chỉnh điểm giữa xương đùi vào giữa phim, khu trú chùm tia hoặc che lá chắn chì theo chiều dọc.
- Tia trung tâm: Chiếu vuông góc từ trên xuống qua điểm giữa xương đùi vào trung tâm phim.
- Thông số chụp: 60Kv, 40 mAs, khoảng cách 100cm, có thể dùng dưới chống mờ.2. Kỹ thuật chụp nghiêng trong:
- Được áp dụng trong những trường hợp chấn thương nặng
- bệnh nhân nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng (hoặc chân bên không đau đưa ra trước co hết sức lên bóng). Đùi bên cần chụp dược kê cao bằng một gối đệm.
- Phim 30x40cm, đặt thẳng đứng dọc được cố định bởi kẹp giữa hai đùi (hoặc được cố định bằng bao cát nếu chân bên không chụp co). Bóng x quang chiếu ngang, chỉnh điểm giữa xương đùi vào giữa phim, khu trú chùm tia hoặc che lá chắn theo chiều dọc.
- Tia trung tâm: đi ngang và vuông góc qua điểm giữa xương đùi vào trung tâm phim
- Thông số chụp: 60Kv, 40 mAs, khoảng cách 100cm, có thể dùng dưới chống mờ.
Lưu ý; Tư thế này chỉ thấy được 2/3 dưới xương đùi.
có nhiều tư thế chụp thì mới chẩn đoán hình ảnh chính xác được
ReplyDelete